Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy cho rằng mức giảm trừ gia cảnh quá lạc hậu, cần sửa sớm khi người dân khó khăn vẫn phải đóng thuế.
Sáng nay, Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế xã hội 2023, những tháng đầu năm 2024. Một trong những bất cập được đại biểu Quốc hội nêu là mức giảm trừ gia cảnh để tính thuế thu nhập cá nhân đã không còn phù hợp thực tế.
Hiện, theo Luật Thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế là 11 triệu đồng, mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng một tháng. Mức này duy trì từ tháng 7/2020 đến nay.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, cho rằng mức giảm trừ này quá lạc hậu, nhất là với người phụ thuộc ở các thành phố lớn. Vài năm qua, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đều tăng và nhiều loại "tăng nhanh hơn thu nhập". Chẳng hạn, theo số liệu của Tổng cục thống kê, giáo dục tăng 17%, lương thực tăng 27%, giá xăng tăng 105% so với 2020.
"Gia đình có con nhỏ phải thuê người trông thì riêng khoản tiền này không dưới 5 triệu đồng một tháng, chưa kể các khoản chi phí cho trẻ. Gia đình có con đi học thì tiền học hiện nay cũng chiếm phần lớn chi tiêu gia đình", bà Thủy nói, thêm rằng mức giảm trừ gia cảnh hiện nay chưa phản ánh đúng mức chi tiêu cơ bản của cá nhân, gia đình, mức sống thực tế.
"Quốc hội cần xem xét, sửa đổi sớm mà không nên chờ đến 2026, tức hai năm nữa, mới thông qua như dự kiến", bà Thủy nói.
Việc phải chờ thêm hai năm nữa mới sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, theo bà, dẫn tới hệ quả, "rất nhiều người dân phải thắt lưng buộc bụng nhưng vẫn thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân".
Cùng quan điểm, bà Đặng Bích Ngọc, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh Hoà Bình, cũng cho rằng biểu thuế suất áp dụng từ 2007 không còn phù hợp. Bà lập luận, năm 2023, quy mô nền kinh tế là 430 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người gần 102 triệu đồng một người một năm. Mức thu nhập này gấp hơn 7,5 lần so với 2007.
Hiện, mức giảm trừ cá nhân 11 triệu được cơ quan thuế xác định bằng "mức chi tiêu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của một người", còn 4,4 triệu xác định bằng 40% so với giảm trừ của bản thân người nộp thuế. Khảo sát của VnExpress cuối năm ngoái cho thấy, với hơn 23.900 độc giả có mức thu nhập bình quân 22 triệu đồng mỗi tháng, người nộp thuế chi tiêu cho bản thân mỗi tháng hơn 10 triệu đồng nhưng họ tốn ít nhất 7 triệu đồng để nuôi một người phụ thuộc - chiếm 70% mức chi cho bản thân, lớn hơn nhiều so với tỷ lệ 40% mà Bộ Tài chính xác định.
Đại biểu Thủy cũng chỉ ra sự bất hợp lý trong rổ hàng hóa tính CPI - tiêu chí dùng để tính mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân. Theo quy định hiện nay, khi CPI biến động trên 20%, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Theo bà, tiêu chí biến động CPI tính trên rổ hàng hóa của hơn 750 mặt hàng là bất hợp lý. Bởi, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp tới chi tiêu của người dân chỉ khoảng 20 mặt hàng. Tức là, để chờ tính mức trung bình của trên 750 mặt hàng thì sẽ rất lâu CPI mới biến động tới mức 20%, có thể 6-7 năm.
"Thời gian này là quá dài, không phản ánh kịp thời biến động trong chi tiêu của người dân, các hộ gia đình, gây thiệt thòi cho người dân", đại biểu Thủy nói thêm.
Trước đó, tại họp báo thường kỳ tháng 3, đại diện Bộ Tài chính cho biết chưa đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh vì biến động CPI chưa đến 20%.
Chưa kể, theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay chưa phù hợp với điều kiện của nước thu nhập trung bình thấp như Việt Nam, khi phần lớn thu nhập của người dân dành chi cho hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.
Ví dụ, mức thu nhập 10 triệu đồng một tháng, thì khoản chi cho hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chiếm tới 70%. Mức này cao hơn gấp rưỡi, hoặc gấp đôi so với các nước có thu nhập cao (30-40%).
Như vậy, giảm trừ gia cảnh quá thấp sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chi cho nhu cầu thiết yếu của người dân.
Cuối cùng, đại biểu Nguyễn Thị Thủy lo ngại, lương cán bộ công chức, viên chức tăng từ 1/7, nhưng thuế thu nhập cá nhân, giảm trừ gia cảnh không điều chỉnh kịp thời "gây âu lo cho người lao động, khi thu nhập tính thuế sẽ điều chỉnh theo lương".
Bà kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân vào tháng 10 năm nay và thông qua tại kỳ họp tháng 5/2025.
Thuế thu nhập cá nhân gồm thuế từ người làm công ăn lương (chiếm chủ yếu) và thuế thu nhập từ cá nhân kinh doanh. Đây là một trong ba sắc thuế trụ cột, đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước, bên cạnh thuế thu nhập doanh nghiệp và giá trị gia tăng.